Đóng

Tin phế liệu

Hàng trăm tỉ đồng biến thành phế liệu ở bãi tạm giữ…

Vì bảo quản không tốt, lại bị giữ lâu ngày nên khối tài sản trị giá cả trăm tỉ đồng ấy đang có nguy cơ biến thành đống… phế liệu!

Do vướng mắc các thủ tục pháp lý nên hiện nay, hàng trăm ngàn chiếc ô tô, xe máy vi phạm đang phải nằm phơi mưa nắng trong các bãi tạm giữ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Vì bảo quản không tốt, lại bị giữ lâu ngày nên khối tài sản trị giá cả trăm tỉ đồng ấy đang có nguy cơ biến thành đống… phế liệu!

Bãi “phế liệu” trăm tỉ

Từ nhiều năm qua, việc các phương tiện giao thông vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ nằm phơi nắng, phơi mưa giữa những nhà kho chật hẹp hay những bãi đất không có mái che không còn xa lạ với người dân cả nước. Điều đáng nói là thực trạng trên tồn tại đã nhiều năm nhưng cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.

Xe vi phạm nằm phơi nắng, phơi mưa ở bến giữ xe Mỹ Đình (Hà Nội) Ảnh: T. Long.

Theo khảo sát của PV báo, bãi trông giữ xe Mỹ Đình (do công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý) là điểm tập kết của hàng ngàn xe vi phạm vô chủ. Trong số đó, có không ít những chiếc xe ga đắt tiền như PS, SH, Spacy, Liberty… đang nằm “ngắc ngoải”. Sở dĩ chúng tôi gọi những chiếc xe trên đang “chờ chết” bởi cả bãi xe rộng lớn nhưng không có mái che, xe được xếp chất chồng lên nhau nên tình trạng hoen gỉ, hỏng hóc diễn ra là điều đương nhiên.

Thậm chí, có chiếc còn bị lá cây phủ kín, cỏ mọc um tùm xung quanh, rất khó nhận ra. Nằm khiêm tốn ở một góc bãi tập kết là những chiếc xe đạp, xe máy hỏng chỉ còn trơ khung như một đống sắt vụn khổng lồ. Những chiếc xe này đều đã bị bong tróc sơn, thậm chí chỉ còn trơ khung sắt nên nhìn rất thảm hại. Với những xe máy, dù được xếp thành hàng nhưng đa phần đều đã hư hỏng trầm trọng, nhiều xe bị vỡ yếm, bong tróc, trông chẳng khác gì…phế liệu!?

Tại các bãi giữ xe vi phạm khác như Bồ Đề, Nam Trung Yên… tình trạng cũng không khá hơn là bao. Tại đây, nhiều chiếc ô tô từ nhãn hiệu bình dân như Hyundai, Kia… cho tới những thương hiệu đắt tiền như Camry, Mercedes, Lexus… cũng đang nằm phủ bụi. Theo tìm hiểu của PV thì phần lớn những chiếc xe này đều mang biển kiểm soát giả, tài xế không có giấy phép lái xe và một số xe là tang vật của các vụ án… Đặc điểm chung của chúng là đều đã xuống cấp trầm trọng.

Được biết, Hà Nội hiện có hơn 70 đầu mối là CSGT, CSTT, công an các quận, huyện… có chức năng tạm giữ phương tiện vi phạm.

Tình trạng này không chỉ diễn ra trên địa bàn Hà Nội mà là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại bãi giữ xe vi phạm nằm ngay sát đội CSGT, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng), có diện tích chừng 80 – 100m2, chật kín các loại phương tiện vi phạm. Được biết, phí trông giữ xe là 10.000 đồng/ngày/chiếc. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an phường An Khê (Công an quận Thanh Khê) cho biết, số lượng xe còn nằm lại ở đơn vị này là khá nhiều: “Đây là số xe đã cất giữ lâu năm và không có người đến nhận. Mấy năm gần đây, số xe cũ chưa giải quyết xong thì tiếp tục bổ sung xe mới nên dẫn tới tình trạng quá tải ở điểm trông giữ”.

Theo quan sát của PV, tại các điểm giữ xe vi phạm của các lực lượng chức năng trên địa bàn TP.Đà Nẵng, công tác bảo quản xe vi phạm khá tốt, các nhà giữ xe đa phần đều rất kiên cố, có hàng rào, mái tôn che phủ, phía ngoài được khóa chốt cẩn thận và chỉ những ai làm nhiệm vụ mới được ra vào nơi này.

Trong khi đó, dạo qua nhiều bãi xe của các quận, huyện tại TP.HCM, PV mới hiểu những phản ánh cũng như nỗi xót xa của người vi phạm không phải là không có căn cứ. Ngoài bị xuống màu do phơi nắng trong thời gian dài, phương tiện của người vi phạm còn bị trầy, xước, thậm chí biến dạng do quá trình di chuyển từ nơi vi phạm đến nơi tạm giữ, hoặc sắp xếp xe tại bãi. Ghi nhận tại điểm giữ xe của Công an quận 8, PV nhận thấy bãi xe được đầu tư kỹ lưỡng khi được dựng theo hàng lối đàng hoàng và có mái che. Tuy nhiên, do sức chứa chỉ được khoảng 700 – 1.000 chiếc nên dẫn tới tình trạng quá tải. Đây cũng là thực trạng chung mà PV ghi nhận khi đi khảo sát tại các điểm giữ xe của công an quận 1, quận 5, quận Bình Thạnh…

Vướng thủ tục?

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia pháp lý cũng như những người trực tiếp tham gia vào quá trình xử lý xe vi phạm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an phường An Khê (Công an quận Thanh Khê) cho biết, theo quy định, trong 7 ngày tạm giữ phương tiện, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời về địa phương được xác định theo biển kiểm soát để mời chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm lên nộp phạt.

Sau 30 ngày kể từ khi thông báo, chủ phương tiện, người vi phạm không liên hệ nộp phạt, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định tịch thu tài sản và định giá, đưa ra mức đấu thầu, nộp vào kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các phương tiện này gặp không ít khó khăn, bất cập do hầu hết chủ phương tiện không đến… lấy lại xe. Bên cạnh đó, một số xe cũ, xe nhập lậu hoặc xe sang tên đổi chủ nhiều lần không rõ ràng, giá trị nộp phạt lớn hơn giá trị xe, xe là tang vật liên quan đến các vụ án cần phải mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc dẫn đến tình trạng không có người tới nhận. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở các bãi gửi xe.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Hiện nay, việc xử lý số phương tiện vi phạm giao thông tồn đọng tại nhiều bãi giữ xe của cơ quan công an là rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Quy trình thanh lý, rao bán các phương tiện vi phạm không có người đến nhận này lại không do phía cơ quan công an quyết định mà phải qua nhiều giai đoạn.

Thứ nhất, những phương tiện nào không đủ giấy tờ, chủ phương tiện không đến lấy xe, hoặc xe thuộc diện bị tịch thu… thì sẽ được lên danh sách. Khi đủ số lượng và thời gian quy định, cơ quan công an sẽ báo cho UBND tỉnh, thành phố để đơn vị này thành lập một hội đồng thẩm định. Hội đồng này sẽ thẩm định giá, chất lượng của các phương tiện bị đem bán đấu giá. Sau khi hội đồng này thông qua, các phương tiện mới được bán đấu giá. Tuy nhiên, quy trình này mất khá nhiều thời gian và phức tạp nên các phương tiện bị tồn đọng, hoen gỉ, hư hại, rất đáng tiếc và lãng phí”.

Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ thủ tục pháp lý, còn một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng nhiều người không tới nhận xe do tâm lý “của đi thay người”. Thời gian vừa qua, tòa soạn báo đã nhận được nhiều phản ánh của độc giả về việc xe hư hỏng nặng, chỉ còn bộ khung sau một thời gian bị thu giữ. Hầu hết những phương tiện này đều bị xuống màu, dính đầy bụi, linh kiện bị hư hại, thậm chí bị mất hoặc bị tráo đổi do công tác bảo quản của cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế.

Chia sẻ vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “Người vi phạm bị tạm giữ phương tiện là điều đương nhiên nhưng nếu phương tiện bị hư hại, mất mát hay người vi phạm phải gánh chịu những thiệt hại tài sản từ việc tạm giữ phương tiện thì chưa thấy văn bản nào quy định cả. Cũng vì nhận thấy phương tiện bị hư hỏng sau khi bị tạm giữ nên nhiều người đã chấp nhận bỏ xe. Nếu chúng ta có chế tài tốt hơn đối với việc này, có lẽ số người tới nhận lại phương tiện sẽ cao hơn”.

Tồn đọng xe vi phạm do nhiều nguyên nhânMột cán bộ phòng CSGT (Công an tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Thực tế, việc xử lý những xe vi phạm khá đơn giản. Sau khi xác minh nguồn gốc xe, chủ xe, cơ quan chức năng sẽ ra thông báo hành chính lần 1, lần 2… Sau 1 năm, nếu chủ sở hữu xe vi phạm không đến nhận xe thì có thể thanh lý xe theo quy định. Tuy nhiên, việc tồn đọng những xe vi phạm trong các bãi xe có thể do chủ xe cố tình không hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình xác minh. Cũng có thể do chủ phương tiện biết phương tiện đó là tang vật của vụ án hay họ cho rằng giá trị của phương tiện thấp hơn với số tiền sẽ phải nộp phạt nên không đến nhận lại xe”.

Công an một số quận của TP.HCM chưa hợp tác báo chí?Trong quá trình tác nghiệp, tìm hiểu công tác quản lý những xe vi phạm trên địa bàn quận 1, quận 5, quận Bình Thạnh, PV đều không nhận được sự hợp tác từ những cơ quan trên. Nguyên nhân mà các đơn vị này đưa ra chủ yếu là lãnh đạo bận họp hoặc không có thẩm quyền trả lời. Với vấn đề tuy cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự thế này, nếu những cơ quan này không có thẩm quyền trả lời thì việc xe nằm “chờ chết” cũng là điều dễ hiểu?!

Nhóm phóng viên – Nguoiduatin

20/07/2023